Hội nghị “Tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2008-2018” được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được, xác định những tồn tại, khó khăn và thảo luận tìm ra các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động bộ máy Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh để ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị này, theo sự phân công của Ban tổ chức, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã báo cáo tham luận về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2017 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đồng chí Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum trình bày Báo cáo tham luận tại Hội nghị
Phát biểu Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn đánh giá Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh đang có tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh theo đúng trào lưu quốc tế và đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa lâm nghiệp. 10 năm hình thành và phát triển, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng từ trung ương đến địa phương là thành công lớn của quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, huy động hiệu quả, bền vững các nguồn lực xã hội cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp, giúp nâng cao trách nhiệm của các đối tượng được hưởng lợi từ rừng và toàn xã hội đối với tài nguyên rừng, nâng cao năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, đảm bảo an sinh xã hội vùng sâu vùng xa. Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn yêu cầu Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu, để hoàn thiện Báo cáo chính thức Tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2008-2018; đồng thời tiếp tục hoàn thiện nội dung tổng kết, đề xuất cơ chế, chính sách mới báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét. Trong thời gian tới, hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cả nước cũng cần hoàn thiện các bộ công cụ quản lý về tài chính, đầu tư được cấp có thẩm quyền công nhận, ứng dụng công nghệ thông tin mới phục vụ cho công tác quản lý, điều hành Quỹ ngày càng minh bạch, hiệu quả; quan tâm sâu sát đến nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền trồng rừng thay thế; triển khai nghiên cứu, khai thác tối đa tiềm năng của dịch vụ môi trường rừng từ các cơ sở có phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn trong nước đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ cac-bon và các nguồn lực quốc tế về chi trả tiền dịch vụ, nhằm bảo vệ, phát triển rừng tốt nhất, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020./.