Thực hiện Kế hoạch truyền thông năm 2024 của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân địa phương về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có hiệu quả, thúc đẩy các hoạt động phát triển sinh kế của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn và người dân trên địa bàn xã Hoà Bình; ngày 31 tháng 7 năm 2024, tại Hội trường UBND xã Hoà Bình, thành phố Kon Tum, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế. Tham dự Hội nghị có đại diện: Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum; các tổ chức, đoàn thể của xã Hoà Bình; Thôn trưởng và các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, các tổ tuần tra nòng cốt trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ rừng và người dân trên địa bàn xã Hoà Bình (56 người).
Lãnh đạo UBND xã Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; những lợi ích mà rừng mang lại; chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng; tập huấn quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả tại cộng đồng dân cư thôn trong công tác quản lý bảo vệ rừng; nâng cao năng lực cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng về thực hiện phát triển sinh kế (thực hành xác định và lựa chọn các loại hình phát triển sinh kế hộ gia đình và xây dựng kế hoạch hoặc phương án sản xuất cho một hoặc một số mô hình được lựa chọn cụ thể); phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tuyên truyền công tác quản lý và bảo vệ rừng nhằm nâng cao năng lực cho người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng dẫn người dân tại Hội nghị
Qua Hội nghị lần này, người dân trên địa bàn xã Hoà Bình, thành phố Kon Tum đã phần nào nắm được cách thức áp dụng những kiến thức được cung cấp vào việc quản lý và sử dụng tiền DVMTR tại cộng đồng dân cư thôn cũng như tại hộ gia đình, cá nhân, thông qua đó nâng cao nhận thức tầm quan trọng của tài nguyên rừng đối với cuộc sống của con người và người dân hiểu được rằng chính sách chi trả DVMTR không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư thôn từ đó thay đổi hành vi để cùng nhau chung tay thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần đưa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống./.